Cần phải khai thông được nợ xấu BĐS

Ban nội dung
Được đăng bởi Ban nội dung
Mục tiêu kiềm chế lạm phát đã thực hiện được, niềm tin của các nhà đầu tư đã được can thiệp kịp thời, thị trường BĐS tiệm cận hơn với túi tiền người dân. Đáng mừng hơn, dòng tiền tín dụng cũng đã bắt đầu hé mở với các doanh nghiệp (DN) BĐS.
Tuy nhiên, mừng ít, lo nhiều bởi thực tế cho thấy 90% DN BĐS không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng (NH) mặc dù chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ đã được ban ra. Ngay trong Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, số DN vay được vốn NH chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Hiện nay NH huy động được lượng tiền rất lớn và vẫn khuyến khích cho vay vốn giá rẻ, nhưng DN không đủ chuẩn tín dụng để vay nên đành chịu, dù đang rất “khát” vốn. Nút thắt chính của vấn đề này là nợ xấu.
Trên thực tế, gần như 90% DN trong đó có DN BĐS đã thế chấp tài sản của mình trước đó để hoạt động kinh doanh sản xuất và đầu tư dự án. Đến nay nợ cũ chưa trả nổi, sản phẩm không thể bán, lại không có tài sản để thế chấp, DN đành chịu chết dù tiền có “đến miệng”.
Cần phải khai thông được nợ xấu BĐS | ảnh 1
Thông được nợ xấu sẽ giải tỏa, cứu được thị trường BĐS. Ảnh: CAO THĂNG
Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải khoanh lại nợ xấu, sàng lọc những dự án DN đã vay mượn, thế chấp tài sản trước đó. Những DN nào đầu tư không đúng như cam kết, đầu tư dàn trải, thua lỗ, kiên quyết để đào thải theo quy luật thị trường, không cứu.
Với những DN đầu tư kinh doanh sản xuất vay vốn theo đúng danh mục cam kết, dự án tốt, lý lịch DN tốt, những sản phẩm hàng hóa của DN đấy có khả năng thanh khoản cao thì phải cứu. Mặt khác, thị trường BĐS còn liên thông với nhiều thị trường hàng hóa khác như vật liệu xây dựng (VLXD), nội thất và nhiều ngành khác.
Khi thị trường BĐS đình trệ, thị trường VLXD đình trệ theo, lượng hàng tồn kho tăng vọt, các thị trường hàng hóa khác như nội thất cũng ế ẩm. Các ngành nghề như môi giới, tư vấn thiết kế, tư vấn dự án… đều thất nghiệp. Một khi thị trường BĐS khởi sắc, DN bán được hàng, Nhà nước thu được các nghĩa vụ tài chính, người dân có nhà để ở, xã hội đạt được 3 lợi ích.
Nhìn vào bức tranh chung tưởng chừng như đáng mừng vì lãi suất đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng thực tế DN vẫn phải vay với lãi suất trên dưới 20%/năm. Còn người mua nhà được vay lãi suất thấp nhưng chỉ 4-6 tháng, sau đó lại trở về mức 18-19%/năm.
Điều này khá nghịch lý vì từ giờ đến cuối năm NH còn có thể hạ thấp lãi suất huy động xuống, trong khi đó lãi suất cho vay vẫn cao. Như vậy NH tăng lợi nhuận không công bằng với DN. Đã không tiếp cận được vốn NH, nợ cũ cũng tiếp tục phải trả với lãi suất áp cao, DN tiếp tục khó đủ bề.
Thiết nghĩ hệ thống NH cần phải thực hiện các trách nhiệm xã hội của mình. Theo đó, NH chấp nhận chia sẻ khó khăn với DN bằng cách hạ biên độ lợi nhuận.
Tất nhiên, dù rất mong muốn dòng tiền được thông thoáng với mình, nhưng nếu NH bơm tiền ra quá nhanh, quá mạnh sẽ dẫn tới tăng trưởng nóng và lạm phát sẽ quay trở lại.
Chính vì vậy, việc cân nhắc là rất cần thiết. Nhà nước cần phải sàng lọc DN để các DN đang đầu tư có tiền để biến sản phẩm dưới dạng bán thành phẩm trở thành hàng hóa. Việc bơm tiền đó phải ưu tiên cho các dự án dở dang chứ không phải tràn lan, không phải những dự án mới bắt đầu khởi công, động thổ hay giải phóng mặt bằng.
Đa phần các DN BĐS đã tạm dừng hoạt động, hoặc “giãy dụa” bằng cách hạ giá sản phẩm để kích cầu. Muốn DN hoạt động trở lại phải có tiền, mà muốn DN có tiền phải giải quyết nợ xấu. Đó là bài toán “bắc cầu” NHNN và Chính phủ cần xem xét trong nửa cuối năm 2012.

Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội
(Theo ĐTTC)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Bảng Giá Đất Mới Tác Động Như Thế Nào Đến Thị Trường Bất Động Sản?

Xu Hướng Đầu Tư Bất Động Sản Nào Lên Ngôi Trong Năm 2025?

Thị Trường Bất Động Sản 2025 Sẽ Diễn Biến Theo Kịch Bản Nào?