Cho canh tác dự án hoang: Giải pháp không khả thi

Ban nội dung
Được đăng bởi Ban nội dung
Trước thảm cảnh của thị trường BĐS, đặc biệt là vấn đề đất hoang, dự án hoang đang tràn lan hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Với những dự án đã giải phóng mặt bằng, là bất động sản nhà ở, việc bỏ không là lãng phí, cần tiết kiệm đất bằng cách khuyến khích thành đất canh tác hay làm gì đó và đề nghị chính quyền địa phương ủng hộ, khuyến khích doanh nghiệp giao đất trống cho người dân canh tác.
Xung quanh vấn đề đất dự án hoang sẽ cho canh tác GS. TSKH Đặng Hùng Võ có trao đổi với Vland:
“Đây không chỉ là vấn đề cần xử lý về quy hoạch mà còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề khác. Về quy hoạch, về mục đích sử dụng đất, những ý kiến bất bình mang tính xã hội… Nếu chúng ta chỉ giải quyết thiên lệch về vấn đề quy hoạch mới là không phù hợp. Điều quan trọng là hơi thở cuộc sống đang cần gì, cuộc sống đang cần chúng ta làm gì, cần những người chịu trách nhiệm trước dân làm gì thì chúng ta phải làm điều đó.
Cho canh tác dự án hoang: Giải pháp không khả thi | ảnh 1
GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Ở đây phân tích sâu hơn thì chúng ta thấy rằng việc giao đất cho các hộ nông dân mất đất canh tác trở lại chúng ta cần phải có sự xem xét kỹ hơn về khía cạnh pháp lý, về khía cạnh nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp chịu trách nhiệm thì việc giao lại đất đó là tạm thời hay lâu dài. Điều này phụ thuộc khá lớn vào nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp đã thực hiện và các thủ tục pháp luật mà chúng ta đã giải quyết”.

“Để lãng phí đất như này là có tội với dân”

– Thực tế, những dự án hoang tại Long An, Tây Ninh…đã được trả lại cho người nông dân và nhận được sự đồng thuận lớn của người dân. Như vậy, liệu có nên nhân rộng việc này?
Tất nhiên, một số chuyện như ở Long An, Tây Ninh…người ta đã trả lại, nhưng đây là những vùng mà nhà đầu tư đã được khoanh đất đó nhưng chưa thực hiện việc bồi thường, chưa nộp tiền sử dụng đất thì chuyện trả lại đất ruộng cho người nông dân là rất dễ. Người nông dân cũng rất hoan nghênh. Chúng ta cũng có khuyết điểm là để lãng phí đất trong vòng 1 – 2 năm. Nhưng việc trả lại ở đây không có gì quá phức tạp. Và câu chuyện đó đã được thực tế chứng minh là dễ dàng, nhiều địa phương đã trả lại rồi.
Thế nhưng, cũng có nhiều trường hợp như ở Hà Nội mà vấn đề sẽ “hóc” hơn là những trường hợp mà nghĩa vụ tài chính đã được thực hiện. Bây giờ, nếu bảo chủ đầu tư trả lại cho dân, người dân cứ tiếp tục giữ đất trong khi đã nhận tiền bồi thường rồi, chủ đầu tư đã trả tiền đất cho nhà nước rồi thì lại vô hình chung dẫn đến những xung đột lợi ích tiếp theo. Vậy thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Đặc biệt nếu người dân được giao đất dù chỉ là canh tác tạm thời nhưng nếu họ kiên quyết chiếm giữ lại, không rút lui thì lúc đó để thực hiện pháp luật chúng ta lại mất công, mất sức trong việc thuyết phục người nông dân, rồi lại cưỡng chế.
Như thế chúng ta đã lại để lãng phí đất thêm một khoảng thời gian nữa để có thể lặp lại mặt bằng. Trong những trường hợp ấy chúng ta phải cân nhắc cách thức thực hiện. Về phía trả lại người nông dân tôi cho là hơi bất khả thi.
Cho canh tác dự án hoang: Giải pháp không khả thi | ảnh 2
Nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang gây ra sự lãng phí lớn
– Như vậy, chúng ta phải “bất lực” nhìn doanh nghiệp bỏ hoang dự án hết năm này đến năm khác nếu không thu xếp được tài chính thưa ông?
Trong trường hợp này, chúng ta nên lựa chọn theo mua bán và xác nhập doanh nghiệp. Tức là có thể chuyển nhượng dự án cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính hơn, hoặc nếu trong trường hợp nhà nước cần đất đó để làm gì mà điều kiện có ngân sách thì nhà nước có thể đứng ra làm việc đó mua lại theo nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp đã thực hiện. Đó cũng là việc mà nhà nước nên cân nhắc.
Nhà nước cũng có thể chủ động tìm các doanh nghiệp để có thể nhận dự án… Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu phải hết sức cụ thể đối với từng dự án để chúng ta có thể đưa ra những giải pháp trên nguyên tắc giải quyết vấn đề lãng phí trong sử dụng đất. Thế nhưng nó không thể là chính sách chung. Trường hợp chưa hoàn thành thì là áp dụng chính sách chung được. Việc trả lại là hoàn toàn hợp lý. Và trả lại là cách thức duy nhất.
Còn nếu về cơ bản đã hoàn tất thủ tục pháp luật thì việc này sẽ không hề đơn giản. Phải xử lý cụ thể ở từng dự án, không thể đưa ra cách thức chung. Nhưng nhất định chúng ta phải giải quyết không thể để lãng phí như thế này được.
Để lãng phí đất như này là có tội với dân. Đã thu hồi của dân chúng ta làm không nên chuyện thì chắc chắn gây ra những bất bình xã hội. Đây là điều tối kỵ trong quá trình phát triển đất nước. Để chứng minh cho người dân biết chúng ta là những người quản lý mẫn cán thì chúng ta phải tìm cách thức để xử lý sao cho hợp lý nhất. Đối với từng dự án chúng ta phải rà soát lại để đưa ra cách thức thực hiện tối ưu.

Cách quản lý chưa phù hợp

– Cũng bàn về vấn đề canh tác trên dự án hoang, Giám đốc Sở quy hoạch và kiến trúc Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho rằng: Những dự án đã giải phóng mặt bằng rồi thì việc sử dụng đất phải đúng chức năng đã được phê duyệt. Vì vậy, yêu cầu nếu các dự án chưa triển khai cần thay đổi chức năng sử dụng đất thì ông Hải nhấn mạnh là “không phù hợp”. Xin ông cho biết về ý kiến này?
Cho canh tác dự án hoang: Giải pháp không khả thi | ảnh 3
Để lãng phí đất như hiện nay cũng chính là do cách thức quản lý không phù hợp.
Quy hoạch cũng là con người làm ra thì con người có thể điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch không phải là cái gì bất di bất dịch đã đề ra thì không thể sửa đổi. Con người làm ra thì con người có quyền điều chỉnh để sao cho nó không gây ra lãng phí, phù hợp với cuộc sống và nó không tạo ra bất bình xã hội khi nhà đầu tư có đất nhưng không dùng còn người lao động bị thu hồi đất, trông thấy đất hoang thì tiếc.
Quy hoạch cũng là con người làm ra thì con người có thể điều chỉnh quy hoạch. Quy hoạch không phải là cái gì bất di bất dịch đã đề ra thì không thể sửa đổi. Con người làm ra thì con người có quyền điều chỉnh để sao cho nó không gây ra lãng phí, phù hợp với cuộc sống và nó không tạo ra bất bình xã hội khi nhà đầu tư có đất nhưng không dùng còn người lao động bị thu hồi đất, trông thấy đất hoang thì tiếc. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là phải xem xét cụ thể với từng trường hợp.
– Nhiều nhận định đưa ra thị trường BĐS sẽ tiếp tục gặp khó trong thời gian và tình trạng dự án hoang sẽ còn tiếp diễn và cần phải có những cách thức dài hơi. Theo ông, vấn đề cần đặt ra là gì?
Về dài hạn thì chúng ta phải thay đổi cách thức quản lý dự án. Chúng ta cần phải quản lý dự án gắn với sắc thuế khi đất không được đưa vào sử dụng. Chúng ta không nên dùng cơ chế thu hồi đất như hiện nay. Cơ chế thu hồi đất như hiện nay rất phức tạp vì phải giải quyết cái tồn đọng của vấn đề tài chính. Chúng ta nên dùng cơ chế thuế đánh vào đất để hoang không sử dụng. Và chắc chắn khi chúng ta dùng thuế thì các nhà đầu tư phải chủ động tìm cách tự giải quyết. Hoặc họ phải đi tìm tiền để đầu tư hoặc họ phải chủ động tìm nhà đầu tư khác chuyển nhượng dự án. Tầm nhìn dài hơi hơn chúng ta cần phải thay đổi cách quản lý gắn với sắc thuế đánh vào đất bỏ hoang không sử dụng. Để lãng phí như hiện nay cũng chính là do chúng ta chọn cách thức quản lý không phù hợp.

(Theo Vland)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Bảng Giá Đất Mới Tác Động Như Thế Nào Đến Thị Trường Bất Động Sản?

Xu Hướng Đầu Tư Bất Động Sản Nào Lên Ngôi Trong Năm 2025?

Thị Trường Bất Động Sản 2025 Sẽ Diễn Biến Theo Kịch Bản Nào?