Hà Nội: Kỳ vọng và lo lắng về kế hoạch xây dựng quy chế quản lý phố cổ

Ban nội dung
Được đăng bởi Ban nội dung
Hà Nội: Kỳ vọng và lo lắng về kế hoạch xây dựng quy chế quản lý phố cổ | ảnh 1
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Ngẫm cho “thấu” những bài học cũ!

Quy chế quản lý phố cổ Hà Nội đang được Sở QH-KT soạn thảo, với những thể chế quan trọng và cũng nhận được sự kỳ vọng từ giới chuyên gia. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH – KT, người đã tham gia xây dựng các văn bản pháp lý quan trọng trong quản lý phố cổ, cho biết, Hà Nội đã tốn rất nhiều kinh phí, công sức để làm công việc này nhưng chưa thực sự thành công. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia trong nước, 11 nước trên thế giới đã cử chuyên gia đến Hà Nội để tham góp và xây dựng những dự án công phu, song để áp dụng, đưa vào thực tế không được là mấy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thận trọng trong việc đưa ra những quy định mang tính cụ thể trong quy chế. Trước đây, việc xử lý công trình vi phạm quy định về quản lý đối với khu vực này đã có quy định: công trình xây dựng vi phạm phải sửa chữa cho phù hợp với quy hoạch mới được cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, quy định này đã không thể thực hiện được vì bị phản đối, bởi sự vi phạm các quy định khác liên quan đến quyền kinh doanh, buôn bán của người dân. Có chuyên gia còn nhắc nhở, không nên đưa vào quy chế những quy định quá cụ thể như ban công, mái vẩy… Vì điều này có thể tạo nên cái cớ để người dân cơi nới công trình, làm biến dạng kiến trúc vốn có. Bởi trên thực tế nhiều công trình có giá trị nằm trong khu phố cổ vốn dĩ không có ban công.

Không nên chạy theo số lượng

Chiều 19/3, trong không gian cổ kính và trầm mặc của Đình Quan Đế (28 Hàng Buồm), Sở QH-KT tổ chức hội thảo xây dựng "Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội". Không rơi vào cảnh tẻ nhạt như nhiều hội thảo khác, chủ đề phố cổ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt với những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trăn trở của những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, sử học, văn hóa… Phó Giám đốc Sở QH-KT Dương Đức Tuấn cho biết, Sở sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và các chuyên gia để hoàn chỉnh dự thảo quy chế.
Với trăn trở của một người gắn bó với Hà Nội, GS. TS Hoàng Đạo Kính bày tỏ quan điểm, cần xác định cho được giá trị "hôm nay" của di sản này. Bảo tồn, cải tạo cần gắn với phát triển mới có tính khả thi. Đây là quy chế đuổi theo một di sản "đang chảy", đang thay đổi. "Vì thế nếu chúng ta chạy theo số lượng sẽ thất bại" – GS. TS Kính nói. Nhiều chuyên gia cũng lo lắng với số lượng mang tính "lạc quan" được dự thảo quy chế đưa ra với 237 công trình kiến trúc đặc biệt.
Hà Nội: Kỳ vọng và lo lắng về kế hoạch xây dựng quy chế quản lý phố cổ | ảnh 2
Phố Hàng Đào là một trong những tuyến phố cần thiết phải thực hiện mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu phố cổ. Ảnh: Thái Hà
Ông Nghiêm phân tích, quy hoạch khu phố cổ tỷ lệ 1/2000 năm 1995 và Điều lệ quản lý tạm thời năm 1999, đã xác định khu vực bảo tồn cấp 1, với diện tích 19ha, vì lúc đó cho rằng có đủ sức mạnh để làm nhưng thực tế lại không thể. Vì thế nên tôn tạo theo một số ô phố,tuyến phố đặc biệt, một số tuyến phố gắn với nghề truyền thống, không nên đưa ra khu vực bảo tồn cấp 1. Ông Nghiêm thẳng thắn: "Mặc dù là người tham gia xây dựng Điều lệ quản lý tạm thời cho khu phố cổ nhưng tôi vẫn luôn mong muốn có cơ hội để sửa những quy định bất cập" (!).
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt và đưa vào cuộc sống đã tạo ra cơ hội để Hà Nội thực hiện mục tiêu, bảo tồn, tôn tạo và phát triển khu phố cổ. Với những điều kiện mới mà Quy hoạch chung đang mở ra, đây là cơ hội và có thể là cơ hội cuối cùng để Hà Nội làm những điều cần làm và có thể làm với khu phố cổ. Điều quan trọng nhất để bảo tồn, tôn tạo được khu phố cổ, là làm sao để cuộc sống của những người dân không bị gạt ra ngoài vòng quay của sự phát triển. Câu hỏi của một người dân phố cổ thật đáng để suy ngẫm: “Ngôi nhà của chúng tôi được công nhận là công trình kiến trúc có giá trị, vậy chúng tôi được gì?”.
Theo dự thảo, phạm vi áp dụng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội là toàn bộ khu phố cổ Hà Nội có quy mô khoảng 100ha, bao gồm: phía Bắc giáp phố Hàng Đậu, phía Đông giáp phố Trần Quang Khải, phía Tây giáp phố Phùng Hưng, phía Nam giáp phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng.

(Theo KTĐT)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Thị Trường Bất Động Sản 2025 Sẽ Diễn Biến Theo Kịch Bản Nào?

“Thị Trường Bất Động Sản Năm 2024 Đã Chuyển Mình Mạnh Mẽ”

Cần Tháo Gỡ Những Nút Thắt Nào Để Thị Trường Bất Động Sản Việt Nam Phát Triển Bền Vững?