Hai "Quả đấm thép" vẫn không đủ cạnh tranh (Bài 3)

Ban nội dung
Được đăng bởi Ban nội dung

Những việc cần làm sau thí điểm

Việc cho dừng thí điểm hai TĐKT nhà nước của Chính phủ được thực hiện vào thời điểm Chính phủ đang thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là tổng kết thí điểm mô hình các TĐKT, Tổng Công ty 90, 91 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tìm ra một hướng đi hiệu quả cho khối DN này.
Hai "Quả đấm thép" vẫn không đủ cạnh tranh (Bài 3) | ảnh 1
Việc kết thúc thí điểm với 2 tập đoàn của ngành xây dựng đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tìm ra một hướng đi hiệu quả cho khối doanh nghiệp này.
Theo các chuyên gia, ngay sau khi thực hiện thí điểm thành lập 2-3 tập đoàn, Chính phủ cần dừng lại để xem xét, phân tích hay, dở từ đó tổng kết kinh nghiệm để thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Trên thực tế, lại có tới 13 TĐKT được hình thành trong một thời gian ngắn. Dựa vào những ưu ái của nhà nước, nhiều TĐKT đã nhanh chóng rơi vào tình trạng hoạt động thiếu minh bạch, đầu tư dàn trải dẫn đến hoạt động kém hiệu quả và ngày càng lún sâu vào nợ nần.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, tất cả các TĐKT đều đang trong giai đoạn thí điểm, nhưng lại được triển khai trên phạm vi quá rộng, quá nhanh ở những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Ngoài cuộc sơ kết đánh giá hoạt động thí điểm của các tập đoàn diễn ra cuối năm 2011, đến nay vẫn chưa có cuộc tổng kết toàn diện về hoạt động của TĐKT nhà nước.
Dưới một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cho rằng, việc thí điểm thành lập TĐKT không thành công thì dừng lại chứ không phải "dừng" là "đổ". Bởi nếu cả hai "quả đấm thép" đã rơi vào tình trạng thua lỗ mà không dừng ngay để "cắt lỗ" thì thiệt hại sẽ khôn lường. Tuy nhiên, tập đoàn không đồng nghĩa với một phép cộng số học giữa các DN mà phải được xây dựng dựa trên một nền tảng vững mạnh, minh bạch từ khung pháp lý, bộ máy tới việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, nhiều TĐKT đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, có những đóng góp quan trọng cho kinh tế quốc gia. Để tái cơ cấu các TĐKT nhà nước, cổ phần hóa là con đường tất yếu, ngắn nhất và duy nhất. Chủ trương này đã được đề xuất từ lâu. Song trên thực tế các đơn vị liên quan lại kém mặn mà với chủ trương này, dẫn đến cổ phần hóa DN kém hiệu quả. Nếu thực hiện cổ phần hóa một cách triệt để, sẽ có nhiều thành phần khác nhau tham gia vào việc quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng vốn tại các tập đoàn, sẽ giúp nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, giảm sự độc quyền của các lãnh đạo, từ đó tạo cơ hội cho các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả được áp dụng trên thực tế.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc dừng thí điểm hai "quả đấm thép" là một sự kiện bình thường sau thời gian "chạy" thử nghiệm. Đã gọi là thí điểm thì khi thực hiện thấy không hiệu quả mà dừng lại là hoàn toàn bình thường. Vấn đề mấu chốt ở đây là, sau khi thí điểm chúng ta phải tổng kết, đánh giá hay dở, để từ đó rút kinh nghiệm cho những giai đoạn tiếp theo.

Khung pháp lý cho tập đoàn kinh tế

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, trong đó có các TĐKT nhà nước. Các thành viên Ủy ban đề nghị không sử dụng DNNN như một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô và cho rằng, nhiệm vụ của DNNN là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà DN thuộc thành phần khác không đủ năng lực. Đây là những ngành đòi hỏi cao về vốn và công nghệ để từ đó tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao ở nước ta phát triển.
Bản báo cáo nêu rõ, sau giai đoạn thí điểm, cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện chương trình thí điểm mô hình TĐKT nhà nước để từ đó có chính sách tiếp theo cho phù hợp. Một trong những việc làm quan trọng trong giai đoạn tới là ban hành Luật Quản lý việc sử dụng vốn nhà nước vào mục đích đầu tư, kinh doanh tại DNNN; cải cách hệ thống quản trị và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Đặc biệt cần nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước hoạt động tương đối độc lập và được trao đầy đủ thẩm quyền để giám sát nguồn vốn Nhà nước tại DN. Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của TĐKT để các DN kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc thị trường, giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Liên quan đến việc dừng thí điểm hai tập đoàn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, dù không còn là mô hình tập đoàn, nhưng các DNNN vẫn phải hoạt động theo pháp luật. Các chủ thể trong trường hợp này từ Chính phủ đến Thủ tướng, Bộ trưởng bộ chuyên ngành, hay UBND các địa phương đều có những chức năng, trách nhiệm gắn với quyền hạn nhất định và rõ ràng. Tới đây, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý nhà nước với khối DNNN bằng việc ban hành Nghị định quy định rõ vai trò đại diện chủ sở hữu cũng như trách nhiệm của các chủ thể nhà nước đối với DNNN. Đây là những nền tảng pháp lý quan trọng để các tập đoàn hoạt động hiệu quả.

(Theo Hà Nội Mới)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Bảng Giá Đất Mới Tác Động Như Thế Nào Đến Thị Trường Bất Động Sản?

Xu Hướng Đầu Tư Bất Động Sản Nào Lên Ngôi Trong Năm 2025?

Thị Trường Bất Động Sản 2025 Sẽ Diễn Biến Theo Kịch Bản Nào?