Khi dầu khí "chảy nhầm chỗ" sang BĐS

Ban nội dung
Được đăng bởi Ban nội dung
Trong những năm qua, PVN luôn giữ vững vai trò của một tập đoàn kinh tế mạnh, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, phát triển ngành dầu khí khá nhanh và đồng bộ.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Chính phủ, đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính không có hiệu quả, có nơi thua lỗ kéo dài, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nội bộ còn nhiều bất cập, thành lập dàn trải, quá nhiều công ty cháu (doanh nghiệp cấp III), gây khó khăn cho quản lý, giám sát của chủ sở hữu và đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả hoạt động chung của PVN.
Khi dầu khí "chảy nhầm chỗ" sang BĐS | ảnh 1
Thời gian gần đây, nhà đầu tư tại dự án Hanoi Time Tower cũng đang ồ ạt đòi rút vốn
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu PVN cần có phương án sắp xếp lại các doanh nghiệp cấp 2, 3 và 4, thu gọn đầu mối để thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, gồm: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc – hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu PVN hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu Tập đoàn, trong đó cần xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn.
Trước đó, vấn đề dầu khí “chảy” vào BĐS cũng đã được đưa ra trong cuộc thảo luận về việc tái đầu tư cho Tập đoàn dầu khí tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XII diễn ra cuối tháng 3/2011. Lượng hóa số công ty con, công ty cháu, công ty liên danh, góp vốn của PVN hiện đang dính dáng đến đầu tư BĐS đã khiến không ít người giật mình. Theo đó, trong 6 tổng công ty (TCT) do PVN nắm giữ 100% vốn, ít nhiều có tới 4 TCT trực tiếp hay gián tiếp dính dáng đến BĐS. Tương tự, với 11 TCT, công ty mà PVN nắm quyền chi phối, có TCT lập riêng công ty BĐS, sàn BĐS, có TCT tham gia góp vốn vào vài ba công ty BĐS con, "cháu" khác của Tập đoàn. Thống kê ban đầu cho thấy, số công ty con, "cháu" của Tập đoàn dầu khí tham gia góp vốn thành lập công ty BĐS hoặc có công ty chuyên doanh BĐS là hơn 20 công ty.
Có thể nói, với chủ trương phát triển thành tập đoàn mạnh, đa ngành, đa nghề, sự tham gia đầu tư vào lĩnh vực nóng BĐS của PVN chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên, với số lượng tham gia BĐS dày đặc gồm phần lớn công ty con, công ty “cháu”… như vậy điều khiến mọi người đặt câu hỏi là liệu tập đoàn mẹ có thể quán xuyến hết?
Và sau một thời gian đi vào thị trường BĐS, một báo cáo nội bộ từ PVN về sự “sa lầy” vào lĩnh vực BĐS của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và sự khó khăn của các đơn vị thành viên của PVC có hoạt động kinh doanh bất động sản lại một lần nữa dấy lên những câu hỏi trước đó.
Khi dầu khí "chảy nhầm chỗ" sang BĐS | ảnh 2
Dự án Nam Đàn Plaza tạo nhiều dư luận trong năm 2010 trên thị trường BĐS
Báo cáo này sau đó đã được gửi tới Tổng giám đốc PVN, nói rằng nhóm các công ty xây dựng công nghiệp và dân dụng, các công ty có lĩnh vực đầu tư bất động sản (PVC IC, PVC Mekong, PVC MT, PVC TB, PVC HN, PVC TH, PVC Petro Land và PVCR) được coi là đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, những công ty có đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đang gặp khó khăn về tài chính, nếu không có lộ trình rút vốn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong các đơn vị thành viên của PVC có tới 3 công ty (PVC ME, PVC Metal và PVC SG) đang hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ phá sản. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ không hay ho nói trên, được xác định là do doanh nghiệp quá “chú tâm” vào lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, tình hình tài chính cũng như tiến độ thực hiện dự án của các đơn vị thành viên của PVC cũng không mấy sáng sủa.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland), Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí (PVCR) là những công ty mà PVC “nắm cổ phần chi phối” cũng trong tình trạng không mấy sáng sủa.
Trên thị trường hiện nay, nhiều dự án “gắn” mác dầu khí đang bị người mua ồ ạt rút vốn. Từ dự án Nam Đàn Plaza nổi lên sau những lùm xùm từ năm 2010, dự án Diamond Tower vẫn nằm đấy, đến dự án Hanoi Time Tower… đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của PVN.
Sự gửi gắm của nhà đầu tư trong những dự án có sự chống lưng của đại gia không chỉ là tài chính mà còn là niềm tin và kỳ vọng. Sự thanh lọc của thị trường là một cuộc chơi khốc liệt. Tạo dựng niềm tin đã khó nhưng giữ được niềm tin nơi khách hàng thì lại là một hành trình đầy gian nan.

(Theo Vland)

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.

Bảng Giá Đất Mới Tác Động Như Thế Nào Đến Thị Trường Bất Động Sản?

Xu Hướng Đầu Tư Bất Động Sản Nào Lên Ngôi Trong Năm 2025?

Thị Trường Bất Động Sản 2025 Sẽ Diễn Biến Theo Kịch Bản Nào?