Thiếu nhà TĐC là bài toán đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có được lời giải thỏa đáng. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Thành phố đang triển khai 52 dự án xây dựng nhà ở tái định cư với khoảng 14.102 căn hộ. Giai đoạn 2013-2015, dự kiến hoàn thành 12.097 căn hộ. Ngoài ra, thành phố cũng đã đặt hàng mua nhà tái định cư tại 13 dự án với tổng số 3.189 căn hộ và theo dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành 606 căn hộ, giai đoạn 2013-2015 hoàn thành 2.583 căn hộ. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là con số rất khiêm tốn trong quỹ nhà TĐC cần giải quyết. Để giải tỏa “cơn khát” nhà TĐC, Bộ Xây dựng đã đưa ra phương án mua nhà thương mại làm nhà TĐC.
Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong đã có cuộc trao đổi với Vland về những vấn đề xung quanh phương án này.
– Đưa ra phương án mua nhà thương mại làm nhà TĐC để giải tỏa “cơn khát” nhà TĐC, ông có ý kiến gì phương án này?
|
Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong |
Quyết định mua nhà thương mại làm nhà TĐC xét ra thì cũng chưa thực sự phù hợp với chủ trương về việc xây dựng nhà TĐC với tư cách là nhà ưu tiên dành cho các đối tượng cần phải di chuyển trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn và đặt trong việc hài hòa các mục tiêu thì việc sử dụng một phần nguồn vốn của Nhà nước để mua nhà thương mại làm nhà tái định cư có thể thực hiện được.
Có thể xét đến những lý do sau:
Thứ nhất, là xuất phát từ nhu cầu về nhà TĐC hiện nay đang khá lớn trong đó có bộ phận không nhỏ hộ gia đình thuộc diện TĐC có nhu cầu nhà ở cao hơn. Như vậy, cộng với chế độ của họ, cộng với nhu cầu thực tế ấy thì việc mua nhà thương mại làm nhà TĐC có thể giải quyết hài hòa được các lợi ích.
Thứ hai, nếu đưa ra được hình thức thực hiện phù hợp thì nó cũng đảm bảo được giá trị thị trường. Hình thức thực hiện phù hợp về cơ bản sẽ bỏ qua được chi phí trung gian và các lợi ích nhỏ và đảm bảo được nguyên tắc quản lý nhà nước nhất là những khoản mua sắm công vượt trên 500 triệu.
– Ở đây, ông có nhắc và nhấn mạnh đến hình thức thực hiện phù hợp. Vẫn được coi là phương án “một công đôi việc” vừa giải quyết được nhu cầu về nhà TĐC đang rất lớn hiện nay, vừa có thể một phần giúp đỡ doanh nghiệp “vượt khó” trong đó phụ thuộc khá lớn từ hình thức thực hiện. Và trên thực tế, phương án này được đưa ra đã nhận được sự quan tâm nhưng cũng còn nhiều tranh cãi đặc biệt giữa việc đấu thầu và chỉ định. Theo ông, cần xem xét thế nào về hình thức thực hiện?
Nếu áp dụng thực hiện theo hình thức chỉ định thầu sẽ vô hình trung tạo ra hiện tượng lobby chạy dự án rồi tất cả sẽ dồn vào giá khi đó nhà TĐC có thể trở thành nhà thương mại hơn nhà thương mại bình thường. Đây chính là bất cập có thể coi như mặt trái của chủ trương này.
Nếu thực hiện một cách phù hợp trên cơ sở đấu giá thì có thể được. Bởi đây cũng là hướng để giải quyết đầu ra cho thị trường BĐS đã đóng băng trong thời gian qua. Việc thực hiện ở đây khó nhất và sợ nhất là việc chỉ định.
Vì vậy vấn đề là phải đấu thầu. Chắc chắn phải thực hiện theo đấu thầu nếu không có thể phát sinh thêm nhiều những vấn đề phức tạp khác.
|
Ảnh minh họa |
– Như vậy có nên đặt vấn đề về việc đưa ra một khung giá, kèm bộ tiêu chí quy định nhà thương mại như thế nào thì được mua để làm nhà TĐC?
TS Nguyễn Minh Phong: Vấn đề cần xác định ở đây là khung giá ấy chỉ xác định cho người được mua nhà TĐC còn mức khung khác phải dựa trên chi phí thực tế của Bộ xây dựng đã có những quy chuẩn nhất định.
Xét về khung ra có thể phân ra làm 2 loại: Một là, nhà TĐC dành cho những người sẽ tiếp nhận nhà TĐC. Hai là, giá thị trường thực hiện trên cơ sở đấu giá với những quy chuẩn nhất định qua cơ quan thẩm định giá, qua các sàn BĐS và chỉ số giá tránh việc đấu giá theo kiểu quân xanh quân đỏ.
Còn về việc đưa ra bộ tiêu chí quy định nhà thương mại như thế nào thì được mua để làm nhà TĐC còn phụ thuộc vào thực tế và nhu cầu nên cũng cần sự mền dẻo. Điều này cũng cần sự chỉ đạo từ phía nhà nước sẽ phụ thuộc vào từng dự án khác nhau và nhu cầu TĐC khác nhau cụ thể với tình hình thực tế tại từng địa phương từng khu vực.
– Bên cạnh bài toán thiếu nhà TĐC thì vấn đề về chất lượng của nhà TĐC cũng được nhắc đến nhiều. Mua nhà thương mại làm nhà TĐC liệu có giải quyết được vấn đề này, thưa ông?
Bàn về chất lượng nhà TĐC cũng là một trong những bức xúc của những người trong cuộc cũng đã được dư luận và báo chí phản ánh rất nhiều. Nhìn nhận từ thực tế cũng có thể thấy rằng việc xây nhà TĐC tương đối bị bỏ lỏng. Về mặt chất lượng xây dựng thường khoán theo kiểu chìa khóa trao tay và các đơn vị, chủ đầu tư thường giao cho những người thực hiện sau đó kiểm tra một lần trên thực tế còn những hoạt động kiểm soát chất lượng khác làm vẫn còn khá hình thức hoặc là bị chi phối bởi rất nhiều lợi ích. Hơn nữa, việc xác định trách nhiệm chế tài, cơ chế kiểm soát của đơn vị xây dựng hiện nay vẫn chưa rõ.
Về nguyên tắc nếu điều chỉnh lại kiểm soát theo hướng vừa cử người, vừa giữ lại một phần tiền như là để đảm bảo chất lượng thì chắc chắn chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm cao hơn để nếu chất lượng có vấn đề thì sẽ khấu vào số tiền đó để làm quỹ. Hoặc là ra một thời hạn đủ dài chứ không quá ngắn như hiện nay để phù hợp với thực tế tránh xuống cấp quá nhanh chứ không thể để theo kiểu “sống chết mặc bay” kể cả có là nhà thương mại hay nhà TĐC đi nữa.
– Vậy phải chăng nên có sự giám sát của các cơ quan liên ngành khi đưa phương án này vào thực hiện?
TS Nguyễn Minh Phong: Trong chuyện này nên có một cơ chế trong đó có một đơn vị liên ngành chủ trì nhưng có một sở thường trực đồng thời phải phân định rất rõ trách nhiệm của từng người một. Trách nhiệm của đơn vị thường trực, trách nhiệm của người đề xuất, trách nhiệm của người ra quyết định, trách nhiệm của người kiểm định…thật rõ ràng, lỗi ở đâu phạt ở đấy và phạt rất nặng cả về trách nhiệm về tài chính.
Phải đảm bảo được giá của hợp đồng mua cùng với chất lượng phải tương xứng với yêu cầu kỹ thuật cộng với giá thị trường nói chung theo từng bối cảnh.
– Xin cảm ơn ông!
(Theo Vland)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.