Một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính cho thấy: "Hiện tại Việt Nam có chính thức 7 loại thuế, phí và khoản đóng góp liên quan đến đất đai và công trình xây dựng, không tính tới những đóng góp không chính thức, bao gồm: phí cấp chứng nhận quyền sử dụng đất; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế thuê đất; thuế chuyển nhượng đất; phí cho thuê/bán nhà/đất thuộc sở hữu nhà nước; thuế nhà và thuế đất; lệ phí đăng ký".
Trong số đó chỉ có thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế nhà và thuế đất là đem lại nguồn thu nhưng không đáng kể. Năm 2005 hai nguồn thu này đem lại "…2,8% so với toàn bộ thuế và phí của đất và xây dựng, 0.19% tổng thu ngân sách Nhà nước, 0.35% tổng thu ngân sách địa phương (bao gồm cả phần chuyển giao từ trung ương), và 0.07% GDP.
|
Công tác quản lý thuế yếu kém ngăn cản việc mở rộng áp dụng thuế đất. Ảnh minh họa |
Con số trên thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong 2 thập kỷ trở lại đây, mức độ đóng góp trung bình trong GDP từ thuế đất và nhà ở tại các nước công nghiệp phát triển (OECD) là 2%. Các nước đang phát triển khác cũng đạt 0.5% và các nước chuyển đổi đạt mức0.6%.
Thông thường, thuế đất có thể tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tại các nước công nghiệp phát triển (OECD) con số này là 13%, các nước đang phát triển đạt 16% và 8.5% tại các nước chuyển đổi. Trong khi đó ở Việt Nam con số này là rất thấp. Như vậy, chiếu theo chuẩn quốc tế thì đất đai ở Việt Nam không bị đánh thuế. Có một số lý do cho vấn đề này.
Công tác quản lý thuế yếu kém ngăn cản việc mở rộng áp dụng thuế đất. Thực tế thì hiện nay đang có những cải cách trong ngành thuế và có khả năng kết thúc vào năm 2012 để củng cố hoạt động của hệ thống quản lý thuế.
Nguyên nhân thứ ba của việc thu thuế thấp là các vấn đề mang tính chiến lược. Tiếp cận được đất đai là một hình thức tích lũy tài sản khổng lồ cho những người có quan hệ tốt và các đối tác của họ. Nguyên nhân thứ tư là do thu ngân sách từ bán dầu, bán gas, thuế xuất nhập khẩu và từ các doanh nghiệp quốc doanh đang sẵn nên Chính phủ chưa có nhiều nhu cầu đánh thuế đất (và các tài sản khác).
Những lí do trên lý giải tại sao thu thuế đất lại thấp. Tuy nhiên, chẳng có nguyên nhân nào là hợp lý để tiếp tục duy trì tình trạng này.
Thuế đánh trên tài sản đã có từ thời Hy Lạp cổ đại và nó đã trở nên quen thuộc đối với các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội. Hiến pháp đã giao phó cho Nhà nước trách nhiệm quản lý đất đai. Quản lý hiệu quả, hợp lý và công bằng sẽ buộc người sử dụng phải trả tiền cho những đặc quyền họ được hưởng.
Sự yếu kém trong quản lý thuế có thể giải thích bởi mức thu thuế đất hạn chế từ sau khi Đổi mới. Rất nhiều nước chuyển đổi gặp khó khăn trong việc xử lý với ách tắc thể chế và vượt ra khỏi cách nghĩ của thời kinh tế kế hoạch tập trung. Quản lý thuế yếu kém là lỗi của công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt khi xem xét đến cả mặt thu và chi của ngân sách Nhà nước.
Trong giai đoạn 2005-2009, Chính phủ sử dụng khoảng 32% GDP cho hàng nghìn khoản chi. Cũng vì thế mà trong cùng giai đoạn đó, không thể tìm được khoản thu nào tương ứng để bù vào khoản chi tiêu đó. Việc này đã tạo ra sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô.
Thất thu thuế đất làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở Việt Nam. Những người có khả năng tiếp cận với đất (và bất động sản) đang gia tăng tích lũy của cải mà không phải đóng góp bất kỳ đồng vốn cho công cuộc phát triển đất nước. Đây là điều đáng tiếc khi các nguồn thu ngân sách khác đều không bền vững. Các tập đoàn quốc doanh đang trong quá trình cổ phần hóa, ga và dầu mỏ thì lại là những tài nguyên không tái tạo.
Sự cải tổ về thuế hiện đang phải đương đầu với việc phân bổ lại gánh nặng thuế, bỏ đi những khoản thuế khó thu (thu ngân sách không bằng chi phí quản lý bỏ ra), loại bỏ những khoản thu, phí đang bóp méo nền kinh tế, và bổ xung thêm nhiều loại thuế để đảm bảo dòng thu ngân sách bền vững cho cả trung ương lẫn địa phương. Thuế đất sẽ là một phần trong giải pháp này.
Đánh thuế đất (và những điều chỉnh gắn liền với nó) có rất nhiều ưu điểm. Thuế đất đánh thuế vào khách thể chứ không phải chủ thể (ví dụ như thuế liên quan đến con người). Việc sử dụng đất có thể được xác định rõ ràng và (tương đối) dễ thu thuế. Mảnh đất có thể bị chiếm giữ, bị bán đi hoặc nếu có những khó khăn liên quan đến chính trị thì quyền hạn chế chuyển nhượng có thể được áp dụng cho tới khi mọi khoản thuế được thanh toán. Cho dù dùng đất vào việc gì trong thực tế, thuế đất là không thể tránh và do vậy hầu như không có ảnh hưởng tới thái độ và hành xử của người sử dụng. Người phải trả thuế tương đối cao so với thu nhập thường có quyết tâm sử dụng đất một cách hiệu quả hơn, hoặc sẽ bán/cho thuê cho người khác.
Thuế đất mang lại nguồn thu cho các cấp chính quyền để trang trải cho việc xây dựng và duy tu cơ sở hạ tầng, giúp nâng cao khả năng sản xuất của đất. Khi chất lượng của dịch vụ hạ tầng có xu hướng được vốn hóa trong giá trị của đất, đánh thuế đất sẽ khiến cho người sử dụng đất chia sẻ phần nào lợi ích của họ với Chính phủ. Nếu không có thuế, người sử dụng đất tự nhiên được hưởng trợ cấp của những người đóng thuế khác, hoặc từ những người dân Việt Nam nói chung đang chịu các phí tổn của lạm phát và đồng tiền mất giá do thâm hụt ngân sách chính phủ.
Ưu điểm cuối cùng của thuế đất là khi chính quyền địa phương đã có nguồn thu từ thuế đất hàng năm thì họ sẽ ít bị phụ thuộc vào sự cấp phát của Chính quyền trung ương. Điều này cũng thúc đẩy họ khuyến khích các hình thức sử dụng đất hiệu quả hơn tại địa phương vì có như vậy mới tăng cường cơ sở cho nguồn thu từ thuế.
Tuy vậy, cũng có rất nhiều hạn chế liên quan đến thu thuế đất. Việc áp dụng hoặc nới rộng thuế đất sẽ gặp phải khó khăn (ít nhất là khi bắt đầu) về mặt chính trị vì đây là thuế trực thu và rất khó để lách luật. Định giá đất và hoàn thiện nó cũng vấp phải khó khăn. Hiện nay có rất nhiều thủ tục để xử lý vấn đề này ở các nước. Khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao để quá trình định giá được công khai minh bạch và giá trị của đất được cập nhật liên tục.
Thuế đất hoàn toàn không liên quan đến khả năng chi trả của người sử dụng. Vấn đề sâu xa hơn là thuế phụ thuộc vào những hoạt động kinh tế của địa phương. Vùng nghèo sẽ có doanh thu từ thuế đất thấp hơn những vùng giàu có. Vì mục tiêu công bằng và phát triển, Chính quyền trung ương vẫn phải phân phối lại ngân sách từ vùng giàu cho vùng nghèo. Như đã đề cập trước đây, điều này hoàn toàn phù hợp với khuôn mẫu phát triển trong đó nguồn lực sẽ được tạo ra ở các vùng có mật độ kinh tế cao để cải thiện điều kiện cho những vùng có mật độ kinh tế thấp.
(Theo Vietnamnet)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.