PV: Thưa ông, không ít lần ông cảnh báo trên diễn đàn QH về việc thu hồi đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp (KCN), khu đô thị… rồi bỏ hoang. Tại sao vậy?
TS Trần Du Lịch: Cách đây ba năm, ở nhiệm kỳ QH khóa XII, tôi đã phát biểu nếu chúng ta làm như thế này và với thực trạng bỏ hoang các khu đô thị, KCN… thì vô hình trung quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa trở thành quá trình biến đất nông nghiệp thành đất hoang. Các doanh nghiệp (DN) thì thi nhau chiếm đất, giữ đất và nguy hại hơn là nhiều địa phương dùng chính sách ưu đãi, đất làm KCN không thu tiền sử dụng đất, làm thương mại dịch vụ thì miễn đến 15, 20 năm. Các DN cứ thế nhào vô chiếm đất, giữ đất mà không mất gì. Ngay cuối kỳ họp thứ 2 năm 2011, khi QH thông qua quy hoạch sử dụng đất, tôi cũng không đồng tình việc mở rộng diện tích đất công nghiệp. QH lý giải đó là quy hoạch dài hạn thì tôi chấp nhận nhưng còn cho triển khai thu hồi rồi bỏ hoang thì không được.
Dự án phải tính đến đời sống nông dân
Có một thực tế là nông dân sau khi bị thu hồi đất thì đời sống của họ trở nên rất chông chênh…
Khi KCN mở ra mà xí nghiệp lấp đầy, phát triển nhà máy thì mới thu hút được lao động từ nông nghiệp vào đó. Nông dân mất đất và con cái họ có điều kiện vào đấy làm ăn. Nhưng cái nguy hại ở đây là người nông dân đã mất phương tiện sản xuất nhưng lại không tạo ra việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, vì thế đời sống của họ trở nên khó khăn, bấp bênh.
Vậy theo ông xử lý vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ rằng những nơi đã làm rồi thì không thể nào quay trở lại nông nghiệp được nữa. Với những người nông dân mất đất, thiếu đất không có việc làm thì chính quyền địa phương phải tập trung giải quyết việc làm, có chương trình đào tạo nghề để làm sao giảm khó khăn cho họ. Nếu KCN mở ra mà nhà máy lên ào ào, thu hút việc làm thì nông dân chuyển đổi nghề tốt quá nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.
|
Người nông dân sau giải tỏa đang tự bơi để tìm kiếm hướng đi cho cuộc sống của mình. Ảnh: NĐ |
Lâu nay dường như chúng ta chỉ chăm chăm thu hồi đất còn việc tổ chức cuộc sống cho người nông dân sau đó thường không được quan tâm đúng mức?
Đấy là vấn đề nan giải nhất mà tôi cho đó là nhược điểm của mình. Quan điểm trước giờ của tôi là thu hồi đất của người dân không phải là trả cho họ bao nhiêu tiền bồi thường mà vấn đề là tương lai họ sống thế nào, nghề nghiệp gì, cái đó mới quan trọng nhất. Hiện nay chúng ta chưa quan tâm đến điều đó và cũng có nhiều quan điểm tiền trao cháo múc và tôi cho đó là sai lầm. Đối với nông dân, lấy đất của họ theo kiểu tiền trao cháo múc như vậy là sai lầm. Quan trọng nhất là phải chuyển họ từ nông dân thành thị dân, từ lao động nông nghiệp thành lao động phi nông nghiệp và ổn định đời sống cho bà con.
Vậy có nên quy định trách nhiệm tổ chức đời sống, tạo việc làm cho người nông dân bị mất đất là một thành phần không thể tách rời của các dự án thu hồi đất?
Tôi cho rằng một dự án muốn phát triển bền vững thì phải tính toán. Tôi có nghiên cứu kinh nghiệm một số nước, ngay cả đô thị, người dân đang sống ở đường này, làm nghề này, giờ chuyển họ đến nơi cách 5, 10 km thì quan trọng nhất không phải đưa họ bao nhiêu tiền mà phải xem ở nơi mới đó họ làm gì để sống, họ chuyển đổi nghề được không. Cái đó phải nằm trong dự án và chính quyền phải quan tâm đến điều đó.
Luật Đất đai phải có chương riêng cho nông dân
Có thực trạng gây bức xúc người dân là Nhà nước cứ hứa hẹn nhiều nhưng sau đó không ai kiểm soát, giám sát?
Tình trạng mình nó thế thôi. Sắp tới, các dự án thu hồi đất làm các chương trình phi nông nghiệp, tôi sẽ đề nghị phải đưa việc ổn định đời sống cho người dân bị mất đất trong nội dung của dự án. Hiện nay thì các dự án lớn như thủy điện quốc gia cũng có nêu đấy nhưng chúng ta làm không tốt. Còn các dự án nhỏ thì không quan tâm, các dự án mở rộng đô thị đều theo kiểu tiền trao cháo múc.
Trong nghị quyết của Đảng cũng đã nêu cơ chế cho người nông dân góp quyền sử dụng đất vào dự án nhưng thực tế lại không làm được, theo ông vì sao?
Thực sự việc góp đất thì phải hình thành những công ty cổ phần. Chủ trương thì có nhưng thực tế thì không làm được. Những ông chủ dự án không muốn thì làm thế nào bây giờ?
Như vậy ông có đề xuất vấn đề này vào Luật Đất đai đang được sửa đổi?
Sửa Luật Đất đai phải làm chuyện đó. Tôi nghĩ có thể phải quy định riêng lĩnh vực thu hồi đất, tái định cư, giải quyết vấn đề nông dân làm một chương riêng, quy định cụ thể chi tiết.
Xin cảm ơn ông.
(Theo PLTP)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.