|
Dự án Terra Rosa ế ẩm do khách hàng khó vay vốn. Ảnh: TRÀ GIANG |
Hiện nay, doanh nghiệp BĐS vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, và vẫn phải vay với lãi suất cao mặc dù lãi suất huy động giảm rất nhiều. Có một điều vô lý là trước đây khi lãi suất tăng lên thì ngân hàng ngay lập tức yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh tăng lãi suất vay, nhưng khi lãi suất huy động giảm ngân hàng lại cho rằng phải có thời gian, phải có độ “trễ” mới giảm lãi suất cho vay được.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị ngân hàng thực hiện ngay chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và có lộ trình cụ thể để đưa lãi suất cho vay trở về mức 11-12%/năm nhằm giúp nền kinh tế và thị trường BĐS phát triển bình thường, ổn định.
Nhà nước cần có biện pháp giúp doanh ngiệp BĐS được vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển các dự án BĐS, trước hết là các doanh nghiệp đã có quỹ đất và đang triển khai thi công các công trình và ưu tiên cho các doanh nghiệp đang triển khai các dự án căn hộ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, hoặc phục vụ các chương trình tái định cư, nhà ở xã hội của thành phố.
Có chính sách hỗ trợ để người mua căn hộ đầu tiên (hoặc đang ở trong căn hộ chật hẹp dưới 5m2/người) được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Đây là biện pháp kích cầu trực tiếp đến tay người tiêu dùng và góp phần làm hồi phục thị trường BĐS.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy nhu cầu nhà ở của khách hàng rất lớn, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là điều kiện để khách hàng được vay quá khó và lãi suất không ổn định. Lãi vay thường chỉ ổn định trong thời gian 3-6 tháng đầu, sau đó là lãi suất thả nổi nên người vay không có khả năng trả nợ.
Để thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc khơi thông thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua khách hàng như hỗ trợ lãi suất vay hoặc cơ chế tài chính cho những người mua căn nhà đầu tiên để ở.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh sửa đổi Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009, Nghị định 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 về việc thu tiền sử dụng đất các dự án BĐS, bởi lẽ theo các quy định này doanh nghiệp vừa phải bồi thường giải phóng mặt bằng (mua đất của dân theo giá thị trường) vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, tức mua đất 2 lần.
Điều này góp phần đẩy mặt bằng giá BĐS ở Việt Nam lên cao so với các nước trong khu vực. Chúng tôi đề nghị phương án sửa đổi như sau: Phương án 1, nếu vẫn giữ cơ chế khấu trừ tiền sử dụng đất phải nộp thì cho khấu trừ toàn bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thực tế mà doanh nghiệp đã chi trên toàn bộ diện tích đất dự án. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ được khấu trừ theo khung giá đất của Nhà nước.
Phần lớn chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra không được khấu trừ mà doanh nghiệp lại phải chịu thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần đã thực chi này. Phương án 2, bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng khái niệm “thuế sử dụng đất do chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp thành đất ở đô thị” và đưa vào luật thuế với thuế suất nhất định (đề xuất khoảng 10-15%). Như vậy vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin-cho.
Trương Minh Đạt(Phó Tổng giám đốc CTCP Khang Nam)
(Theo ĐTTC)
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, Công ty cổ phần PropertyGuru Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định.